Kinh nghiệm với các bạn sinh viên năm cuối
Qua quá trình giảng dạy và tiếp xúc các bạn sinh viên năm cuối (học kỳ 7) nhiều năm, mình nhận thấy nhiều bạn sinh viên đang bị mất phương hướng, không xác định được mục tiêu trong tương lai…dẫn đến lúc đi thực tập (học kỳ 8) mang tính đối phó, dành thời gian để chơi bời, nghỉ ngơi, “lấy lại những gì đã mất”…và kết quả sau khi tốt nghiệp ra trường tham gia vào đội quân thất nghiệp. Vì vậy, mình xin chia sẻ một số kinh nghiệm với các bạn sinh viên năm cuối sau:
1. Hãy xác định công việc yêu thích của mình trong tương lai
Không ai đánh thuế ước mơ. Các bạn cứ mạnh dạn xác định công việc mình yêu thích trong tương lai. Việc này sẽ làm giúp bạn có động lực để tìm hiểu rõ hơn về công việc đó, những khó khăn mà các bạn sẽ gặp phải, nhà tuyển dụng có những yêu cầu gì với vị trí công việc bạn đang tìm hiểu. Qua đó, bạn sẽ thấy mình còn thiếu những kiến thức, kỹ năng nào, làm cơ sở cho bạn bổ sung, học tập, cập nhật các kiến thức, kỹ năng còn thiếu trong năm cuối.
2. Mạnh dạn đổi nơi thực tập nếu thấy không phù hợp
Thực tập là cơ hội giúp bạn xem xét và hoàn thiện những kỹ năng, kinh nghiệm cần phải có cho công việc sau này. Nhưng hiện nay, rất nhiều sinh viên đi thực tập mang tính đối phó, chủ yếu xin “đóng dấu” và cũng có nhiều đơn vị thực tập nhận sinh viên thực tập vào làm các công việc mang tính “tạp vụ”… Việc tìm các địa chỉ để thực tập cũng là bước đầu kiểm tra các kỹ năng của sinh viên năm cuối. Do vậy, các bạn cứ mạnh dạn đổi nơi thực tập nếu thấy không phù hợp, có thể nộp đơn xin thực tập tại nhiều nơi và không cảm thấy thất bại khi các đơn vị không nhận mình vào thực tập.
3. Một tinh thần cầu tiến, dám ước mơ, dám thực hiện
Đây là một tính cách quan trọng mà các bạn cần phải có. Thông thường thành công chỉ thực sự đến với những người luôn biết cố gắng vươn lên và có một tinh thần cầu tiến không ngừng trong mọi hoàn cảnh. Chính tinh thần ấy sẽ giúp bạn vượt qua được những khó khăn, thử thách trong giai đoạn “quá độ” của “đời sinh viên” để các bạn dần dần tích lũy được kinh nghiệm, kỹ năng để ngày một hoàn thiện hơn nhằm đáp ứng yêu cầu khi ra trường tìm việc.
4. Chuẩn bị sức khỏe tốt
Sức khỏe là yếu tố khá quan trọng để bạn có thể học tập và làm việc tốt. Trong khi đó, hiện nay rất nhiều sinh viên không quan tâm đến sức khỏe, thức khuya cày smart phone, nhậu nhẹt…, không tập thể dục hàng ngày… Bạn sẽ không có cơ hội để tìm việc và làm được việc nếu không có một sức khỏe tốt và thường xuyên xin nghỉ vì bệnh. Vì vậy, các bạn hãy quan tâm và thường xuyên nâng cao sức khỏe và khả năng chịu áp lực học tập và công việc của mình bằng cách ăn uống đủ chất, tập luyện thể thao hàng ngày và ngủ nghỉ hợp lý.
5. Chuẩn bị hồ sơ tìm việc
Các Bạn cần trang bị cho mình những kỹ năng về việc chuẩn bị một hồ sơ tìm việc sao cho thật chuyên nghiệp và hoàn chỉnh nhất, đặc biệt là hồ sơ online.
Tóm lại, “thất bại trong sự chuẩn bị là chuẩn bị cho sự thất bại”. Một sự chuẩn bị tốt là chuẩn bị cho sự thành công trong tương lai.
Đỗ Phú Trần Tình – Giảng viên Khoa Tài Chính Ngân Hàng – Trường Đại học Kinh tế - Luật, ĐHQG HCM.
BÌNH LUẬN